Ý nghĩa cầu nguyện

Chúng ta không nên nhầm lẫn giữa hai hoạt động trái tim và lý trí. Hoạt động của trái tim thiên về tình cảm, còn hoạt động của lý trí thiên về khoa học, đạo lý… Tiếng nói của trái tim là tiếng nói của sự chân tình, của tấm lòng, đôi khi là mù quáng; còn tiếng nói của lý trí là tiếng nói của lý lẽ, đôi khi là ngụy biện, xảo trá…Thông thường, hoạt động Tôn giáo thuộc trái tim, không phải là hoạt động của khoa học (lý trí). Ví dụ, bạn quá khổ đau vì cuộc đời có quá nhiều bất công oan ức…, nhưng không biết giải bày cùng ai, nếu bạn là người có niềm tin với Phật hay Chúa, chắc chắn bạn sẽ đến trước Phật hay Chúa thầm cầu nguyện: Mong Phật hộ trì cho bạn hay chúa ban phước lành cho bạn. Thử hỏi: Có ai dám xác quyết sự cầu nguyện đó có được Phật hay Chúa chứng tri và chấp nhận cho không?Theo tôi, có được Phật hay Chúa chứng tri hay không không phải là vấn đề quan trọng mà vấn đề quan trọng của việc cầu nguyện có ba ý nghĩa:
1. Sau lễ cầu nguyện, tâm hồn khổ đau của người ấy sẽ vơi bớt, cảm thấy được an ủi, tạo thành năng lực để tiếp tục cuộc sống…;
2. Người có niềm tin là người còn hy vọng. Hy vọng mong muốn cho cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn;
3. Người có niềm tin với Phật hay Chúa hay vị Thánh Thần nào đó… là người biết phục thiện, biết nhận sai và sửa sai. Người đời nay ỷ mình sống trong thời đại khoa học, biết chút ít nào đó, từ đó xem thường vai trò giáo dục trong Tôn giáo. Kết quả, lợi ích của khoa học mang đến cho con người thì ít mà cái khổ đau xuất phát lòng tự mãn kiêu ngạo của kiến thức, của khoa học, của bằng cấp thì nhiều.

Thich-hanh-Binh-y-nghia-cau-nguyen